Có rất nhiều vật dụng, chi tiết, nhà cửa, công trình v.v được sơn phủ. Tác dụng của sơn phủ đầu tiên phải kể đến là nó có khả năng bảo vệ cho bề mặt vật cần được sơn khỏi tác dụng xấu từ môi trường, nâng cao tuổi thọ cho chi tiết. Thứ hai là về mặt mỹ thuật, nó tạo cho chi tiết có mầu sắc đẹp hơn và người ta có thể phân loại các chi tiết khác nhau nhờ lớp sơn phủ bên ngoài.
Hơn thế nữa với một số loại sơn đặc chủng có thể giải quyết được nhiều yêu cầu về mặt kỹ thuật như sơn chống nấm mốc, sơn chống hà, sơn phản quang, sơn phát quang, sơn chịu hoá chất, sơn chịu nhiệt, sơn cách nhiệt, sơn hấp thụ sóng điện từ v.v.
Tuỳ theo yêu cầu sử dụng có thể lựa chọn loại sơn thích hợp. Nếu chỉ yêu cầu bảo vệ bề mặt kim loại khỏi ăn mòn dưới tác dụng của môi trường ôxi hoá thì sơn chống rỉ thường được lựa chọn. Bản chất chống rỉ của sơn là do lớp màng sơn bao phủ trên bề mặt kim loại, ngăn cản sự xâm nhập của các tác nhân ôxi hoá tấn công trực tiếp vào bề mặt kim loại và phá huỷ nó. Như vậy khả năng bịt kín bề mặt kim loại của lớp màng sơn càng tốt thì khả năng bảo vệ bề mặt kim loại càng cao.
Nếu độ bám dính của lớp màng sơn với bề mặt kim loại càng lớn, độ bền của lớp màng sơn càng cao thì khả năng bảo vệ bề mặt kim loại sẽ càng tốt. Do một nguyên nhân nào đó mà lớp màng sơn bị bong tróc, để lộ ra bề mặt kim loại thì ngay lập tức các tác nhân ôxi hoá từ môi trường sẽ tiếp xúc trực tiếp với bề mặt kim loại và phá huỷ lớp bề mặt. Môi trường ôxi hoá càng mạnh, nhiệt độ môi trường càng lớn và thời gian càng dài thì lớp ôxi hoá càng sâu và có thể gây thủng thiết bị, ảnh hưởng xấu đến môi trường và làm giảm năng suất thiết bị.
Có thể nói sơn phủ nói chung và sơn chống rỉ nói riêng đóng vai trò hết sức quan trọng trong công nghiệp, đời sống và trong khoa học kỹ thuật. Hiện nay sơn chống rỉ hữu cơ phần lớn chỉ sử dụng trong điều kiện nhiệt độ thường. Đối với các thiết bị phải làm việc ở nhiệt độ cao cho tới nay hầu như chưa có loại sơn phủ bảo vệ nào thích hợp.
Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu vật liệu màng phủ vô cơ thuộc khoa Công nghệ Hóa học, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã nghiên cứu và chế tạo thành công một loại Sơn chịu nhiệt gốc vô cơ, đáp ứng các yêu cầu sơn phủ bảo vệ cho các loại thiết bị phải làm việc ở nhiệt độ cao. Đó là Sơn vô cơ chịu nhiệt – BKV !